Game bài 88 Club đổi thưởng

Chào cờ tuần 06 – Năm học 2015 – 2016: Sinh hoạt chính trị : Thực hiện lời dặn của Bác về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Thực hiện lời dặn của Bác về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh

Người thực hiện: Ths. Trần Ngọc Trung–

          Trong bản Di chúc để lại trước khi về cõi vĩnh hằng, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm “trước hết” và “trước tiên” là về Đảng và chỉnh đốn Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta là một Đảng cầm quyền trong sạch và vững mạnh. Cùng đó, Người cũng nhấn mạnh việc đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải rèn luyện đạo đức cách mạng để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Hơn 40 năm sau, những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn có ý nghĩa thời sự, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12- khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” về xây dựng Đảng.

           Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng ta thành một Đảng cách mạng chân chính, trong sạch vững mạnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, Người đã không ngừng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong tư tưởng của Người, đạo đức cách mạng là gốc, là nguồn, là nền tảng, là sức mạnh tinh thần của người cán bộ, đảng viên, thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày với dân, với nước, với đồng chí, đồng bào, đồng nghiệp và mọi người xung quanh mình.

          Coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, Hồ Chí Minh càng quan tâm nhiều đến đạo đức của cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền. Người hiểu rất rõ rằng, suy thoái về đạo đức là khởi điểm của sự tha hóa, mà tha hoá về đạo đức sẽ dẫn đến tha hoá về chính trị, nên mong muốn Đảng phải trong sạch, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên không để chức, quyền, danh, lợi làm hoen ố lương tâm, bôi nhọ danh dự, dẫn đến suy thoái, biến chất,v.v.. Cũng theo Người, trong bất kỳ thời điểm nào, làm công việc gì, muốn quy tụ và hấp dẫn quần chúng, người cán bộ, đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau và “đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng, đó là tính Đảng”.

          Thực tiễn xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 80 năm qua cho thấy: Uy tín, sức mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng phụ thuộc vào sự vững mạnh, trong sạch của mỗi đảng viên và mỗi cơ sở Đảng, hay nói cách khác sự trong sạch vững mạnh của Đảng quyết định uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Trong sạch được thể hiện trước hết và nổi bật ở vấn đề tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Vững mạnh không phải do số lượng đảng viên nhiều hay ít, mà là ở sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động, trong sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ở chính tính tổ chức, kỷ luật, tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình và mối liên hệ mật thiết với nhân dân… Không chỉ sớm tiên lượng những căn bệnh của những người có chức, có quyền – những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân trong mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đồng thời chỉ ra những biện pháp để đề phòng và khắc phục, trong đó yêu cầu hàng đầu là thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Theo lời Người, cán bộ, đảng viên muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết có Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng nhiều thêm…, vì vậy, ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó không sợ khổ, là tận trung với nước, tận hiếu với dân.

          Giản dị và ngắn gọn, Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Cũng không phải ngẫu nhiên và chắc chắn Người đã cân nhắc rất nhiều khi trong một đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ, lại nhấn mạnh bốn lần chữ “thật” và “thật sự”. Thật có nghĩa là đối lập với giả, với dối. Thật sự là đối lập với qua loa, nửa vời, không đến nơi đến chốn. Người  dạy chúng ta rèn luyện đạo đức mới, đạo đức cách mạng – đạo đức phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Chữ “thật” là biểu hiện của chữ “chính” trong tứ đức: cần, kiệm, liêm, chính – tức là trung thực, thật thà, đúng đắn. Chữ  “thật” cũng là chữ “liêm”, vì có thật thà mới không tham lam và mới “liêm” được. Chữ “thật” ấy là lời để lại, căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên và đó cũng là cốt lõi của văn hoá cầm quyền, của một Đảng Cộng sản chân chính có sứ mệnh lãnh đạo nhân dân kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

          Vì vậy, để xứng đáng là Đảng cầm quyền, Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mỗi đảng viên và cán bộ – tế bào của Đảng cần phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Hơn thế nữa, Người còn chỉ rõ “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây chính là một sự bao quát thật đầy đủ ý nghĩa, nhưng cũng vô cùng sâu sắc về vai trò, vị trí và năng lực lãnh đạo của một Đảng cầm quyền cần phải có. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất, đạo đức cách mạng thì Đảng mới thật trong sạch; và có trong sạch thì mới vững mạnh. để chống lại thói nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói ít làm ít, nói ít không làm, nói một đằng làm một nẻo…Thực hiện một chữ “thật” hay “thật sự” như Người dặn trong Di chúc là một việc làm cần thiết, suốt đời của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ những người lãnh đạo, quản lý.

          Với ý nghĩa đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải thấm nhuần những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác một cách thiết thực, thường xuyên. Cụ thể, mỗi tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý cần nhận thức sâu sắc học tập và làm theo Bác chính là: “Trong mỗi việc phải biết làm người đày tớ trung thành của nhân dân, phải biết nhân dân sống ra sao và muốn điều gì, ngày nay đất nước vẫn còn nghèo, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, noi gương cần kiệm liêm chính của Bác Hồ, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên từ cấp Trung ương đến cơ sở phải biết nêu gương, sống bằng chính sức lao động, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, biết xấu hổ trước nỗi khổ, sự vất vả của người dân và phải tích cực góp phần ngăn chặn đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí”, để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh./.